VỊ  CHÂN  SƯ Quyển I  - The Initiate - 1920

CHƯƠNG  XVII

 

Tôi đi vắng London sáu tuần, theo thói quen của tôi lúc hè là đi thăm bạn hữu, thế nên tôi không gặp thầy Moreward trong một thời gian và cũng không có tin của ngài. Dù vậy bạn có thể đoán ra rằng ngài là người đầu tiên tôi đến nhà thăm khi trở về thành phố. Tuy đến vài lần mà không gặp, cuối cùng thầy có nhà một buổi tối, bận rộn với chồng giấy tờ, văn kiện vừa được mang tới nhà trong một thùng lớn. Lối chào hỏi của ngài mang nét chân tình, thân ái vốn là đặc tính của ngài, nói khác đi thầy ôm lấy tôi.
– Thầy sẽ không hỏi là con đi chơi xa có vui không, ngài nói. Thầy biết là con được vui vì thầy cảm nhận được những lúc con hạnh phúc tột độ.
Rồi ngài chỉ vào giấy tờ bề bộn.
– Con gái thầy vừa qua đời, và đây là những văn kiện của thầy mà con gái giữ khi trước, chúng mới được từ Ý gửi qua.
Tôi sắp sửa ngỏ lời chia buồn đầy lòng thông cảm nhưng nụ cười của ngài làm tôi im ngay, và khiến câu phân ưu hóa ra như không đáng kể, trẻ con, giống như đứa trẻ hai tuổi cho người lớn viên kẹo ngọt. Nhân vật đứng trước tôi đây vượt lên trên nhu cầu cần sự cảm thông của người khác, vì đối với ngài hiển nhiên sự chết có nghĩa như là đi ngủ mà thôi, nó không làm xáo trộn sự an nhiên vĩnh cửu của ngài. Thế nên tôi không đả động gì nữa đến cái tang của thầy, nói theo chữ người đời dùng trong cảnh ấy, thay vào đó bàn nhiều chuyện khác nhau mà cả tôi và thầy cùng quan tâm. Về phần thầy ngài chăm chú hoàn toàn vào câu chuyện theo thói quen của ngài.
Chúng tôi chuyện vãn có đến hai giờ, ngài nhìn đồng hồ và đề nghị là nếu tôi không phiền thì ngài muốn tiếp tục soạn giấy tờ, vì có vài vấn đề luật pháp cần làm ngay không để chậm trễ, nhưng ngài thêm. 
– Việc này có tính máy móc một chút vậy con có thể chuyện trò cho vui, và đừng về nhà vội.
Tôi nào có ý định ra về, được gặp lại thầy Moreward sau nhiều ngày vắng mặt thì giống như tâm hồn được tắm gội để thanh tẩy, nên tôi vui vẻ kéo dài câu chuyện. Dầu vậy sau một lúc thì câu chuyện cũng đến lúc ngưng hay đứt quãng, xen vào đó là nhiều phút im lặng dài. Tôi mơ màng ngắm thầy làm việc cúi người trước bàn đầy giấy tờ, sắp xếp văn kiện do cái chết và sự mất mát của người thân mang lại. Tuy nhiên gương mặt của ngài bình thản không gợn chút ưu tư như nó vẫn vậy từ trước đến giờ, mà khi tôi nghĩ kỹ thì nó cũng không già đi chút nào so với lúc tôi gặp thầy gần đầu hồi mười năm về trước. Khi ấy trông thầy khoảng ba mươi lăm dù là gương mặt trầm ngâm của ngài gợi ý minh triết của người nhiều tuổi hơn. Một bà nói rằng ngài hơn năm mươi lăm tuổi và nay mười năm sau, sáu mươi lăm tuổi, thầy là nhân vật lạ lùng trông chưa đến bốn mươi tuổi.
Tôi nghĩ thầm nhất định là không đúng, bà đã nghe lời đồn tào lao và tôi cho rằng mình đã giải quyết ổn thỏa thắc mắc, rồi tôi lại nghĩ thêm nếu khi ấy ngài ba mươi lăm thì bây giờ phải là bốn mươi lăm, và tôi thấy đó là chuyện không thể được nếu kể đến diện mạo của ngài là đầy vẻ sáng suốt của người sáu mươi lăm. Cuối cùng tính tới tính lui khiến đầu óc tôi rối mù những con số, và tôi tự hỏi là tại sao trước kia mình không hề giải quyết cho xong thắc mắc bằng cách giản dị là nêu câu hỏi thẳng với ngài. Đột nhiên thầy phá ra cười.
– Thầy chịu thôi, con biết là chuyện không có lợi gì cho con nếu biết tuổi thầy.
– Sao ạ ? tôi cười ngượng nghịu. Thầy biết con nghĩ gì ư ?
– Nào, ngài đáp lại, nếu con mê mãi với tư tưởng thì thầy làm gì được ? nhất là khi sự suy nghĩ của con hướng vào thầy luôn luôn. Chà ! nếu con chú tâm y vậy vào đề tài cao cả hơn thì hẳn con đạt được chuyện rất đáng nói. Mà thôi ..., ngài lại cười và tiếp tục công việc của mình.
– Sao đi nữa, tôi nói, con nghĩ thầy phải khen là con hoàn toàn không có chút tò mò, vì từ hồi nào tới nay con luôn luôn giữ ý không hề hỏi tuổi của thầy.
– Dĩ nhiên là sự kín đáo đó thật đáng khen, ngài cười và đáp, nhưng con biết là huyền bí gia có một phương pháp nhỏ ngăn người khác hỏi điều khó nói để bảo vệ chính những người này.
– Nhưng nếu con biết tuổi của thầy thì đã sao, tôi cố nói thêm.
– Ý chính là ai không có bí mật gì phải giữ thì không cần nói dối, ngài bảo, lời xưa có câu như vậy. Tức là thầy không muốn đặt con vào cảnh phải nói điều không thật nếu có ai hỏi con về tuổi của thầy. Sự thực như con biết, thầy e ngại lời đồn đãi, sự chú ý của người khác. Ngoài ra mấy bà lớn tuổi sẽ không để yên cho thầy dù là bí mật của thầy hoàn toàn vô dụng đối với họ. Chuyện đương nhiên là khi một ai sống theo lẽ trời thì tự động họ kéo dài được nét trẻ trung.
Tôi đưa tay vuốt tóc mầu xám và ước phải chi được biết được những luật quí giá này cùng cách sống theo chúng, nhưng tôi nói lớn.
– Dạ, nó giống như con tưởng vì nói cho cùng ai không kiêu hãnh chút nào sẽ không để ý là mình trẻ hay già, lại càng không chăm chút sửa soạn cho mình có vẻ trẻ hơn, giống như quí bà quí cô trang điểm.
Thầy Moreward chỉ mỉm cười rồi, đột nhiên thầy đẩy một tập bản thảo cho tôi và nói.
– Đây là một trong vài bài của thầy, viết lúc rất trẻ. Thầy quên mất là con gái của thầy còn giữ nó.
Mực đã ngả mầu vàng còn giấy cũng bạc mầu với thời gian, xem ra phải hơn 50 năm về trước.
– Con đọc được chứ ạ ?
Thầy gật đầu.
– Nhưng rồi con sẽ vất nó vào thùng rác.
– Ồ, không có đâu. Tôi phản đối.
Thầy cười.
– Xem đi, rồi đưa lại cho thầy.
Tôi đọc thì thấy đó là một trong những bài thi vị nhất gặp được trong sách vở huyền bí học. Ngôn ngữ của bài có nhạc điệu và sự cuốn hút mạnh mẽ, đi thẳng vào tâm hồn người đọc, cũng như câu văn đặt theo một lối riêng, lạ lùng. Nội dung hết sức tân kỳ độc đáo. Có vẻ như người viết phải thông thạo Phạn ngữ, hay ít nhất văn chương Phạn ngữ một cách rộng rãi, vì rải rác trong bài có những chuyện ngụ ngôn đông phương. Bài văn cho tôi ấn tượng rất đỗi mạnh mẽ tới mức khi đọc xong tôi tiếc thầm là người có văn tài như thế lại không sử dụng nó tối đa. Tôi không hiểu làm sao có chuyện ấy được. Đọc hết bài chỉ mất chừng năm phút và ý tưởng của bài khiến tôi thấy lâng lâng thát ra ngoài bay bổng, giống như khi nghe một khúc nhạc. Cảm giác thanh thoát này làm tôi ngồi yên mấy phút không nói chi, tôi chỉ cảm nhận là đi vào một vùng tư tưởng chưa hề biết trước đó. Tôi đột nhiên thấy mình có những tư tưởng tuyệt vời tới nỗi tôi khó mà tự mình nghĩ ra. Lại nữa chúng tràn ào ạt vào tâm trí tôi mà cùng lúc thật rõ ràng, sâu đậm làm tôi kinh ngạc.
Thầy Moreward cất tiếng phá vỡ sự yên lặng.
– Nào, ngài nói, bấy nhiêu là đủ rồi.
Tôi nhìn thầy ngạc nhiên, tâm hồn và thân xác tôi cảm thấy hết sức hân hoan, sinh động.
– Tuyệt vô cùng ạ, tôi nói to. Nó nâng con vào một cõi tinh thần mới mẻ.
Ngài cười.
– Không hẳn vậy đâu, ngài nói.
– Sao không được ? tôi hỏi, thầy nói có khi khó hiểu.
Thầy nhận xét.
– Con quá khen khả năng viết lách của thầy, ngài mỉm cười, nó không giỏi dang như con nghĩ đâu.
Nhưng tôi phản đối.
– Thật đó mà, đọc xong bản văn con có những ý tưởng thật lạ lùng. Bài viết hết sức kỳ diệu.
Ngài nói một cách giản dị.
– Nó chỉ là ảo tưởng của con, giả thử con đọc được tư tưởng của thầy thì sao ?
– Không phải đâu, tôi đáp.
– Nếu như thầy hướng tư tưởng về con vào lúc con ở trong tâm trạng dễ tiếp nhận thì sao ? ngài hỏi giả dụ.
Tôi nhìn thầy lạ lùng.
– Dạ, con không nghĩ ra điều đó.
Ngài cười nhẹ nhàng.
– Con thấy không, ngài tiếp tục nói, bản thảo làm con trở nên dễ cảm thụ.
– Số dách, tôi hào hứng nói, xin thầy tạo ảnh hưởng đó nữa, thỉnh thoảng một lần. Cảm xúc tuyệt không sao tả được.
– Nhưng làm thế là chìu con quá, thầy cười phản đối.
– Chìu con ư ?
– Phải, phải có lý do đúng đắn mới làm vậy.
– Ồ, vậy để mình nghĩ ra lý do xuôi tai. Tôi nói một cách hăng hái.
Gương mặt  ngài trở nên nghiêm trang.
– Việc gửi tư tưởng, ngài giải thích, đòi hỏi năng lực mà năng lực chúng ta có không phải vô tận, vì vậy ta không được phung phí nó mà dùng sao cho có kết quả to lớn nhất. Con mới than là sao thầy không viết nhiều hơn. Đúng lắm, nhưng có những cách 'viết' mà không phải dùng giấy bút, tức viết qua người khác, gieo vào óc họ tư tưởng rồi để họ khai triển chi tiết và xếp đặt theo bố cục của họ tự chọn. Lấy thí dụ như bây giờ mà con muốn viết chuyện ...
Tôi bắt đầu hiểu.
– Thầy muốn nói là sẽ gây ấn tượng cho con, gieo cho con tư tưởng ?
– Chính thế, thỉnh thoảng ta sẽ gửi tư tưởng đến con và con sẽ viết theo cách thức riêng của mình.
– Nhưng mà thầy có bắt buộc phải hiện diện cạnh con ? tôi hỏi.
Thầy cười kiên nhẫn.
– Với hiểu biết có được mà con cần phải hỏi điều ấy ư ?
– Dạ, nó ngu thật, tôi nhìn nhận lời trách cứ nhẹ nhàng, nhưng làm sao con khiến mình trở nên cảm thụ ?
– Một phần là dùng năng lực ý chí, ngài đáp, điều này có thể tăng cường mạnh mẽ hơn bằng cách đọc văn có tính chú ngữ như bài con mới đọc khi nẫy.
Tôi nhìn ngài thắc mắc.
– Âm thanh của một số chữ kết hợp lại có giá trị huyền bí, ngài giải thích, làm khơi động trạng thái cảm thụ hay thông nhãn (clairvoyant). Có vài chữ cho ra ảnh hưởng hết sức linh thiêng và mạnh mẽ tới nỗi thầy chỉ dám thốt ra với rất ít người trong số hàng triệu người trên quả đất, nhưng đó là chuyện khác. Hãy lấy thí dụ thi ca, con có để ý là tại sao một bài thơ mà con thấy là chứa đựng ý tưởng đẹp đẽ lại không cho ra ảnh hưởng gì và có vẻ như không đạt tới trọn mục tiêu của nó ?
Tôi công nhận là tôi chưa hề hỏi lý do tại sao của chuyện như vậy.
– Đó là vì chữ dùng trong bài thơ, hay bài nhạc, không có tính cách chú ngữ thành ra không khơi động được tâm hồn người nghe. Dầu thế, phải thêm là cách người đọc thi ca lớn tiếng làm mất đi giá trị huyền bí của nó, ngay cả khi bài thơ dùng chữ có tính huyền bí, bởi đa số người hoặc đọc thi ca như đọc báo, hay đọc như thông tri ai đó qua đời. Sự thực là thi ca phải đọc gần như là xướng kinh, và khi xướng đúng cách thì kết quả  có thể rất đáng kể ... Trở lại bài viết mà con vừa đọc thì bài đó được soạn theo thể văn chú ngữ nên sinh ra ảnh hưởng như vậy đối với con.
– Nhưng, tôi ngắt lời, sao thầy không viết thêm những bài khác ? Làm vậy chắc chắn là hay hơn việc dùng con làm trung gian tuy con rất hân hạnh được làm việc ấy.
Ngài mỉm cười.
– Chúng ta (các Chân Sư) ít khi viết vì thì giờ hết sức quí báu và chúng ta có nhiều chuyện khác phải làm. Như ta có lần hàm ý, Chúng ta thích làm việc với tư tưởng mà thôi và không chủ tâm việc cầm bút soạn sách. Mục đích của Chúng ta là trợ lực người khác giúp đỡ Nhân loại, và trong vấn đề đặc biệt này Chúng ta chọn cách trợ lực gián tiếp, tức làm việc qua thi sĩ, nhà văn, và kịch tác gia.
Thầy ngưng một chút rồi nói.
– Thế thì con đã tỏ ra xứng đáng được sự trợ lực của các Vị đi trước để tới phiên con giúp đỡ Nhân loại. Đã tới lúc cần có một câu chuyện huyền bí mang tính chất đặc biệt, và bởi Chúng ta không quên ơn, hãy giúp Chúng ta và Chúng ta sẽ giúp con.
– Thầy muốn nói, tôi chữa lại, thầy sẽ giúp con và không chừng giúp luôn nhiều người khác nữa ? Nhưng con không thể viết sách cho mọi người đọc và làm họ tin là chính con sáng tác, trong khi thực sự là con chôm hay đúng ra, con nhận ý tưởng của thầy.
Ngài rời chồng giấy tờ đang soạn, đi lại đứng trước mặt tôi, cúi nhìn với đôi mắt hiền dịu nhiệt thành. Rồi ngài nói.
– Tác giả nào sáng suốt nhất sẽ gạt hẳn cái tôi của họ ra ngoài chuyện, họ cho ra chỉ để cho ra và không màng chuyện khen chê. Họ ẩn danh, vì ẩn danh là cách thuận tiện nhất cho một loại văn chương triết lý đạo đức, không gây thành kiến cho độc giả. Chẳng hạn con có thấy là nếu vị giám mục Anh giáo của thành phố London viết sách, thì tất cả những ai theo Anh giáo sẽ đọc cuốn ấy mà ai theo Công giáo La mã sẽ không đọc, trong khi đó nếu không ai biết là vị giám mục ấy có liên can đến sách thì có thể là tất cả mọi người sẽ đọc sách ấy.
– Thầy thực tế quá, tôi hăng hái nói.
– Con hiểu ý thầy rồi chứ ? ngài nói tiếp, nhưng chuyện không phải chỉ có vậy vì tác giả nào cũng có người ưa chuộng và người không thích họ, người sẽ đọc hay tránh không đọc sách của họ. Còn nói về nội dung của sách như ý tưởng, lời biện luận, và những điều  khác thì sao ? Ảnh hưởng của chúng luôn luôn bị tên tuổi và tiếng tăm của tác giả chi phối, dù họ có hay không có tên tuổi và tiếng tăm. Người đọc sẽ nghĩ, 'A, tác giả X viết như vậy thì hẳn là nó đúng (hay hẳn là nó sai)'. Có nhận xét là dư luận giống như đàn trừu, nó sẽ đi theo con chó nào sủa lớn nhất.
Ngài ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi, đặt tay lên thành ghế, chụm các đầu ngón tay vào nhau và trầm ngâm nói.
– Lòng xả kỷ chân thực phải không có nhuộm chút nào nét kiêu hãnh, và điều này làm được nhiều chừng nào thì kết quả lớn lao chừng ấy vì còn một yếu tố khác can dự. Đó là hứng khởi hay đúng ra là tính cảm thụ, phát xuất tự con tim, và con tim thanh khiết bao nhiêu thì hứng khởi tràn đầy bấy nhiêu. Khi ai đó nói, 'Tên tôi đi liền với tác phẩm thì có quan hệ gì, vì thực sự là sách không phải do tôi nghĩ ra mà tôi chỉ là kẻ trung gian', thì người ấy sẽ luôn luôn có được những ý tưởng cao đẹp nhất. Thế nên con à, khó khăn của con đã được giải quyết xong, và con không phải bận tâm gì khi dùng ý tưởng của chúng ta nếu con ẩn danh. Và thầy quả quyết rằng con sẽ được đền bù cách khác khi không lộ danh tánh như thế.
– Con sẽ được đền bù bằng cảm giác dễ chịu là lòng biết ơn, tôi nói.
– Và con thứ lỗi cho thầy khi thầy đọc tư tưởng của con vì mục đích tốt lành của công việc chứ ?
– Đương nhiên ạ.
...
Và đó là cách mà tôi viết chuyện sau khi thầy Justin Moreward Haig rời nước Anh, nhận được tư tưởng của ngài dù cách xa vạn dặm. Ít nhất điều này chứng tỏ là sự kiện thần giao cách cảm có thật nếu không muốn nói tới những điều khác. (Một tác phẩm khác của Cyril Scott viết theo lối này là The Adept of Nazarene, rất nên đọc). 

 

CHƯƠNG XVIII 

SỰ  RA  ĐI

 

Nay tôi ngần ngại nói đến cách mà người tôi quí chuộng nhất trong số người tôi quen biết đã rời London để làm việc ở một nơi khác của trái đất, phần việc mà tôi không thể nói vì được yêu cầu vậy, và thế là đủ.
Ngay từ phút đầu khi gặp thầy Justin Moreward Haig tôi đã xem ngài là người lạ thường, nhưng nếu cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi thì sự chia tay khiến tôi có ấn tượng mạnh hơn gấp bội, vì nó cho thấy một khía cạnh của bản tính ngài mà từ trước tới giờ tôi không biết tuy tôi tin chắc rằng có, nhờ vào những buổi thảo luận khác nhau về huyền bí học. Xin nhắc lại là thư của em tôi viết cho tôi và ghi lại trong sách này nói tới những cuộc du hành rộng rãi của thầy ở Ấn Độ và những nơi khác, cùng những việc lạ lùng mà ngài chứng kiến ở vùng đất lãng mạn nhất và huyền bí nhất ấy (không dịch trong bản Việt ngữ bạn đang đọc). Từ lá thư đó ta thấy rõ ràng là ngài nắm được hiểu biết bí mật của nơi này mà chỉ một số rất ít người sở hữu. Tôi cũng nhớ có lần ngài nói rằng không phải các Chân Sư Minh Triết chỉ hiện hữu tại Ấn Độ mà thôi, nghĩ như thế là nhầm lẫn vì sự thực là các ngài có mặt khắp nơi kể cả Anh quốc.
Tôi hỏi ngài nếu quả vậy thì tại sao công chúng ít nghe nói tới các vị ấy, ngài mỉm cười khoan dung có hơi thú vị và đáp rằng chỉ có nhà huyền bí học rất cao mới nhận ra được ai là đạo sư khi gặp người như thế ( tựa như câu 'Ai là Phật thì mới biết ai là Phật'), vì không ai ở mức đạt cao như vậy lại hoặc tự quảng cáo hoặc để cảnh ngộ quảng cáo cho mình. Ngài giải thích.
– Người hàng thịt và người hàng xén chỉ cúi rạp chào ông vua vì họ biết người đó là vua; nhưng để ông vua đi ngoài đường phố không ai biết thì chẳng ai để ý tới ông làm gì. Thầy quen biết nhiều một Vị đã ba trăm tuổi, nghe thì lạ nhưng ngài trông giống 40 tuổi hơn là 300 tuổi, và chỉ có rất ít người biết vậy khi gặp ngài. Mà như thế là để bảo vệ cho ngài, vì nếu ai thấy rõ sự thực thì người ta sẽ hóa ra hiếu kỳ làm cuộc sống trở thành khó khăn, gây cản trở cho hoạt động rất quan trọng của ngài.
Tôi hỏi.
– Nếu Vị ấy có thể sống lâu đến vậy thì con chắc ngài có thể làm được những điều khác mà người ta gọi là phép lạ phải không ?
Thầy đáp.
– Chắc chắn ngài làm được, nhưng ngài không làm.
– Nhưng nếu làm vậy mà thuyết phục được nhân loại chấp nhận một chân lý tuyệt vời nào đó thì con nghĩ là Vị ấy nên làm. Tôi hăng hái nói.
Thầy lại mỉm cười đầy lòng khoan dung và nhẫn nại, cho thấy đã nghe lý luận này của tôi nhiều lần.
– Con hay lẫn lộn giữa niềm tin tưởng hời hợt và nét tinh thần, ngài nói. Việc biểu diễn hiện tượng không hề làm con người có nét tinh thần. Lấy thí dụ một nhạc sĩ dương cầm đại tài có thể được bịt mắt mà vẫn chơi đàn dễ dàng, nhưng biểu diễn tài nghệ như vậy có bao giờ làm người không biết nhạc trở thành biết nhạc không ? Con quên rằng làm thỏa mãn lòng tò mò vô bổ là thỏa mãn lòng kiêu hãnh của chính mình. Đại nhạc sĩ dương cầm mà bịt mắt chơi đàn là hạ phẩm cách của họ phải không ? Vậy nó cũng hạ phẩm cách y thế khi vị đạo sư thực hiện điều người đời gọi là phép lạ.
Tuy nhiên tôi cứ một mực nài nỉ.
– Nhưng sách ghi là đức Chúa có làm phép lạ.
– Ngài không hề làm phép lạ mà không có lý do đầy đủ. Ngài chữa lành vì người ta đau ốm, ngài hóa phép ra thức ăn vì dân chúng đói lòng, ngài khiến bão lặng sóng êm vì đệ tử của ngài kinh hoảng, nhưng ngài không 'biểu diễn' hay làm thỏa lòng tò mò vô ích, và một đạo sư khác là Appolonius của Tyana cũng hành  xử giống vậy.
Tôi hỏi thầy là người có thể học được hiểu biết cần thiết để làm phép lạ hay không. Ngài đáp.
– Được và không được. Được, vì nó chỉ cần có đặc tính cần thiết, còn không được là vì đa số người không màng có những đức tính này. Con thì đang trên đường đạt tới chúng, và không chừng trong một kiếp sau con sẽ tiến xa đến mức làm được phép lạ nếu muốn.
– Còn thầy ? tôi hỏi. Thầy biến ra vật được không ?
– Con đặt với thầy câu hỏi thẳng thắn, ngài cười và nói, nên thầy khó mà nói gạt, nhưng khi thầy xác nhận thì xin con chớ hé môi bao lâu mà thầy còn ở London.
Tôi hứa sẽ tuyệt đối kín miệng.
– Dĩ nhiên là không có gì gọi là phép lạ, ngài tiếp tục dạy. Các vị trong Thiên đoàn (Hierachy) chỉ sử dụng những luật của thiên nhiên mà đa số người không biết, chỉ có vậy thôi.
– Nhưng tại sao hiểu biết đó không được phép phổ biến ? Tôi hỏi.
– Vì nhân loại chưa phát triển đủ về mặt tinh thần để dùng nó một cách đúng đắn. Đưa hiểu biết ấy cho ai không có đức tính cần thiết thì họ sẽ làm đảo điên vũ trụ.
Tôi thắc mắc.
– Đó là những đức tính gì ?
– Hoàn toàn vô ngã, khoan dung tột bực, mất hẳn lòng kiêu hãnh, tự chủ tuyệt đối và tất cả những đặc tính tinh thần khác.
– Nói khác đi, là trở thành toàn thiện.
Ngài đồng ý.
– Nói sát nghĩa thì đó là người toàn thiện.
Tôi thở dài
– Vậy thì không có con trong đó.
Ngài phá ra cười và nói.
– Con quên rằng con còn sự vĩnh cửu trước mặt thế nên có nhiều thời gian.
Nếu tôi nhớ đúng thì câu chuyện trên xẩy ra một thời gian ngắn sau khi tôi quen thầy và từ lúc ấy, nhờ những sách thầy đưa cho xem tôi đã có hiểu biết khiến nhìn lại sự việc theo quan điểm mới. Dầu thế tôi cũng còn đầy óc tò mò và rất mong được thấy biểu diễn những quyền năng mà thầy cho biết là có sở hữu, tôi thường xin ngài cho xem một biểu diễn rất nhỏ nhặt nhưng thầy luôn luôn từ chối hết sức nhẹ nhàng. Thế rồi vào đúng lúc chia tay ngài thuận theo lời yêu cầu của tôi.
Ngài chuẩn bị phần nào cho tôi về việc sắp ra đi, vì thầy bảo tôi rằng thời gian của ngài ở London sắp hết và tôi đừng mong là còn được ở cạnh ngài lâu hơn về mặt xác thân vật chất, tuy về mặt tinh thần và tình thương thì không bao giờ ngài và tôi bị chia lìa. Chuyện xẩy ra như sau. Tôi có thói quen khóa cửa phòng ban đêm vì có thời gian tôi thường ở khách sạn. Vào đêm có chuyện tôi sắp kể đây thì tôi vẫn giữ thói quen đó. Tôi lên giường khoảng nửa đêm và ngủ ngon giấc một mạch tám tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau còn mơ mơ màng màng tôi nhận ra mùi hương hoa hồng hết sức dịu ngọt. Có vẻ như tôi nằm mơ về hoa hồng, nhưng khi mở mặt thì tôi kinh ngạc thấy trên gối cạnh đầu có một lá thư và nằm trên đó là một đóa hồng lớn.
Tôi nghĩ ngay rằng mình đã không khóa cửa và người giúp việc đã bước yên lặng vào phòng, nhưng vì bà không quen làm vậy tôi mới bắt đầu nghĩ rằng chuyện phải có gì quan trọng hơn. Tôi mở thư đọc và nỗi thắc mắc tan biến. Thư viết.

Con thân mến.
Khi con nhận được những giòng chữ này thì thầy đã tới được chỗ mà lúc này chưa tiện nói. Quãng đời của thầy tại London nay đã xong, và cho sự phát triển của riêng thầy thì điều hệ trọng là thầy phải xa lánh khỏi thế giới bên ngoài chừng vài tháng. Trong tương lai một phần việc khác được giao phó cho thầy, và con cùng thầy sẽ không gặp nhau bằng thể xác trong thời gian sắp tới, tuy bất cứ khi nào con cần thầy giúp đỡ thầy sẽ cảm biết được việc ấy và đáp lại lời yêu cầu của con.
Thầy tránh nỗi buồn rầu vô ích của việc gặp mặt, giã từ vì con à, thầy biết con là người dễ cảm và muốn tránh sự đau lòng cho con. Dầu vậy trên thực tế không có gì là chia tay giữa những linh hồn thực sự cảm thông nhau, vì ai yêu nhau thì thường gần nhau dù cách xa vạn dặm về mặt thể chất, hơn là ai không cảm thông mà sống sát bên nhau. Vì vậy khi chào từ biệt chúng ta đừng xem đó là sự chia tay, chỉ khi tình thương và ký ức chết đi thì mới có phân cách, nhưng tình thương giữa con và thầy không thể nào chết vì nó đã có đó từ bao kiếp qua, cảm thấy đau lòng khi chia tay là cảm biết một ảo tưởng hơn là niềm vui của thực tại.
Nói về những năm qua mà chúng ta làm việc đầy tình thân với nhau, thầy muốn cám ơn con về lòng thiện cảm đã làm cho năm tháng ấy hết sức vui vẻ, cùng tinh thần cởi mở của con khiến thầy có thể gieo vào tâm con chút hiểu biết về Thiên đoàn. Bởi chúng ta (các Chân Sư) cám ơn ai cho phép chúng ta giúp họ một khoảng trên đường tiến hóa, vì như thế là cho chúng ta cơ hội làm điều mà chúng ta muốn làm trên hết thẩy, và họ không phải là người cần cám ơn chúng ta.
Với những việc khác, mong rằng tất cả xẩy đến cho con một cách tốt lành, và mong sao con không sống trong quá khứ hay tương lai, mà hằng sống trong hạnh phúc không thay đổi của Vĩnh cửu rộng lớn.
 Luôn là người bạn hết lòng của con. 
J.M.H
Ngay khi đọc xong thư này, tôi đi ra cửa phòng và thấy nó y như lúc tôi lên giường ngủ đêm qua, tức khóa trái bên trong và chìa khóa còn nằm trong ổ. Rồi tôi hiểu ra rằng cuối cùng thầy Moreward đã thuận theo lời nài nỉ của tôi và cho một thí dụ về việc làm hiện ra vật. Ít nhất thì đó là cách tôi giải thích chuyện gì xẩy ra trong phòng, tuy người khác có thể nghĩ ra lối khác và cho rằng tôi giàu óc tưởng tượng cùng dễ tin.
Không cần phải nói thì đó là cách chấm dứt cho việc tôi dự vào công tác nhân ái của thầy Justin Moreward Haig. Tuy thỉnh thoảng tôi gặp ngài trong thể tình cảm và nhờ vậy được tiếp xúc với ngài, nhưng ngài chỉ xuất hiện với tôi khi tôi cần được chỉ dạy liên quan đến sự phát triển tâm linh của mình, thế nên tôi không thể theo dõi hoạt động của ngài. Nhìn lại những chuyện đã qua, tôi thấy một điều rất rõ là các nhân vật, ngoại trừ thầy, là người thật bình thường hay gặp trong cuộc sống. Có một lần ngài nói về loại người cứng ngắc khô khan rằng.
– Vấn đề càng khó chừng nào thì nó trở nên càng thú vị chừng ấy, vì không có ai khó đối phó cho bằng người thường hết sức.
Và đó là lý do tại sao một phần lớn năng lực của ngài lại dành cho người như vậy, thầy giải thích thêm.
– Thi sĩ, nghệ sĩ, triết gia có trí tuệ dễ cảm thụ nên họ không cần sự tiếp xúc riêng với chúng ta, Thiên đoàn có thể gây ấn tượng một số tư tưởng và lý tưởng vào trí họ từ cảnh giới cao hơn cõi trần, nhưng người ngoài đường phố thì khác hẳn, chỉ bằng cách vụng về hơn là chuyện vãn với họ mới mong đạt được vài điều.
Thế nên một trong những mục đích của cuốn này là để cho thấy rằng dù cảnh sống ở đời có tầm thường, chán ngán thế nào đi nữa, ai có quan điểm gợi sự an vui có thể tạo nên hạnh phúc chung quanh mình, và làm vậy là đem hạnh phúc chân thật duy nhất không bao giờ mất đi vào chính tâm họ.

Chấm dứt quyển một 'The Initiate', xuất bản năm 1920 (phần hai 'The Circuitous Journey' của sách sẽ đăng riêng khi thuận tiện).